Tất tần tật về thuyết đa trí tuệ Multi-Intelligence (Howard Gardner)

Đóng góp bởi: T7, 26 Th10 2024 17:12:45 +0700
Mamnonphucan-7

Thuyết đa trí tuệ Multi-Intelligence của Howard Gardner đã chỉ ra rằng: trí thông minh tồn tại dưới nhiều dạng khác nhau, và mỗi người đều có một hoặc một vài kiểu thông minh nổi trội. Không biết điều này, chúng ta dễ dàng đánh giá sai lầm về trí tuệ của người khác – điều mà rất nhiều người đang mắc phải hiện nay.

Thuyết đa trí tuệ là gì?

Thuyết đa trí tuệ là lý thuyết về trí thông minh của con người, được nghiên cứu và công bố bởi tiến sĩ Howard Gardner trong cuốn sách Frames of Mind (Cơ cấu của trí tuệ) xuất bản năm 1983.

Theo ông Howard Gardner, trí thông minh được định nghĩa là: “khả năng giải quyết các vấn đề hoặc tạo ra các sản phẩm mà các giải pháp hay sản phẩm này có giá trị trong một hay nhiều môi trường văn hóa”.

Thuyết đa trí tuệ Multi-Intelligence 1

Có bao nhiêu loại trí thông minh?

1. Trí thông minh Không gian – Thị giác

Khái niệm: Là kiểu thông minh có khả năng cảm nhận về hình ảnh và nhận thức về không gian tốt hơn người khác.

Đặc điểm nhận biết:

  • Trí tưởng tượng phong phú.
  • Dễ dàng nắm bắt ý nghĩa thông qua hình ảnh.
  • Thích diễn đạt bằng mô hình, phác họa.
  • Sử dụng tốt bản đồ.
  • Định hướng tốt trong không gian.

Đại diện của trí thông minh này: Nghệ sĩ, Nhà thiết kế, Họa sĩ, Đạo diễn, Kiến trúc sư, Nhiếp ảnh gia, Nhà phát minh, Chuyên viên thẩm mỹ,…

Thuyết đa trí tuệ Multi-Intelligence 2

2. Trí thông minh Âm nhạc – Thính giác

Khái niệm: Là khả năng ghi nhớ giai điệu nhanh, dễ dàng chơi nhạc cụ, có khả năng cảm thụ âm thanh một cách tinh tế.

Đặc điểm nhận biết:

  • Nhạy cảm với âm thanh.
  • Có thể sáng tác âm nhạc.
  • Biết sử dụng nhạc cụ.
  • Biết ca hát.
  • Thích hát, thích chơi nhạc cụ.

Đại diện của trí thông minh này: Nhạc sĩ, ca sĩ, DJ, nhà sản xuất âm nhạc, kỹ thuật viên điều chỉnh và sản xuất nhạc cụ, kỹ sư âm thanh, chuyên gia cố vấn âm thanh, thiết kế bối cảnh sử dụng âm thanh (nhà hát, rạp phim),…

Thuyết đa trí tuệ Multi-Intelligence 3

3. Trí thông minh Toán học – Logic

Khái niệm: Là khả năng lập luận, phân tích và tổng hợp để tìm ra bản chất, quy luật của vấn đề.

Đặc điểm nhận biết: 

  • Nhạy bến với các con số.
  • Suy diễn theo trình tự.
  • Tư duy theo hướng nguyên nhân – kết quả.
  • Hiểu được các vấn đề trừu tượng.
  • Xâu chuỗi được vấn đề thông qua các sự kiện, sự việc.

Đại diện của trí thông minh này: Nhà khoa học, nhà hùng biện, Thẩm phán, Dược sĩ, Chuyên viên thống kê, Kĩ sư máy tính, Lập trình máy tính, Công tố, kế toán, kiểm toán, giáo viên dạy toán.

Thuyết đa trí tuệ Multi-Intelligence 4

4. Trí thông minh Tương tác – Giao tiếp

Khái niệm: Là khả năng nhận thức được cảm xúc của người khác, biết giao tiếp để thiết lập mối quan hệ.

Đặc điểm nhận biết: 

  • Làm việc nhóm tốt.
  • Biết thông cảm, sẻ chia, thấu hiểu người khác.
  • Truyền cảm hứng cho người khác.
  • Thích giao tiếp và biết giao tiếp.
  • Có nhiều kỹ năng xã hội.

Đại diện của trí thông minh này: Chuyên viên nhân sự, Lãnh đạo, Chính trị gia, Nhân viên tư vấn bán hàng, Nhà tâm lý học, quảng cáo, diễn giả,…

Thuyết đa trí tuệ Multi-Intelligence 5

5.Trí thông minh Thể chất

Khái niệm: Là khả năng điều khiển cơ thể khéo léo hơn so với người khác.

Đặc điểm nhận biết: 

  • Kiểm soát được các chuyển động.
  • Xử lý đồ vật, đối tượng khéo léo.
  • Sử dụng cơ thể để tạo nên những chuyển động đặc biệt, đẹp mắt.

Đại diện của trí thông minh này: Vận động viên thể thao, Vũ công, Nghệ sĩ xiếc, Nhà vật lý trị liệu, Thợ thủ công, Thợ may, thêu, Thợ mộc,…

Thuyết đa trí tuệ Multi-Intelligence 6

6. Trí thông minh Ngôn ngữ

Khái niệm: Là khả năng sử dụng ngôn ngữ để thể hiện bản thân hoặc nói/nhớ được nhiều ngôn ngữ khác nhau.

Đặc điểm nhận biết:

  • Dễ dàng thu nạp kiến thức thông qua nói và viết.
  • Thích chơi ô chữ, đố vui.
  • Học, nói và nhớ được nhiều ngôn ngữ.

Đại diện của trí thông minh này: Diễn giả, Dịch giả, Nhà văn, Nhà báo, Người viết quảng cáo, Bình luận viên, Luật sư,…

Thuyết đa trí tuệ Multi-Intelligence 7

7. Trí thông minh Nội tâm

Khái niệm: Là khả năng khám phá chiều sâu của bản thân, nhạy cảm và hòa điệu với cảm xúc, suy nghĩ hoặc tâm trạng.

Đặc điểm nhận biết:

  • Biết rõ ưu – nhược điểm của bản thân.
  • Hay trầm tư suy nghĩ.
  • Thích làm việc một mình.

Đại diện của trí thông minh này: Nhà nghiên cứu, lý luận, triết học, nhà văn, những người có tài viết lách,…

Thuyết đa trí tuệ Multi-Intelligence 8

8. Trí thông minh Thiên nhiên

Khái niệm: Là khả năng nhạy bén với việc nhận dạng, phân loại về thiên nhiên. Những người này thường quan tâm đến việc nuôi dưỡng và khám phá môi trường.

Đặc điểm nhận biết:

  • Quan tâm đến các loại thực vật, động vật và sinh học.
  • Thích làm vườn, cắm trại, đi bộ giữa thiên nhiên và khám phá ngoài trời.
  • Hứng thú khi học/nói/làm những chủ đề về tự nhiên.

Đại diện của trí thông minh này: Nhà sinh vật học, Nhà bảo tồn, Người làm vườn, Nông dân.

Thuyết đa trí tuệ Multi-Intelligence 9

9. Trí thông minh Hiện sinh

Khái niệm: Là khả năng đi sâu vào những câu hỏi sâu sắc hơn về cuộc sống hay về sự tồn tại. Những người này thường đặt câu hỏi và suy ngẫm về các chủ đề như ý nghĩa, động lực sống, số mệnh, thế giới vật chất và tinh thần, tình yêu,…

Đặc điểm nhận biết:

  • Có tầm nhìn dài hạn.
  • Luôn xem xét những hành động hôm nay để lại kết quả như thế nào trong tương lai.
  • Thường xuyên hỏi, tìm hiểu về sự sống, cái chết.
  • Nhìn nhận tình huống từ góc nhìn bên ngoài.

Đại diện của trí thông minh này: Triết gia, Nhà thần học, Cố vấn mục vụ, Mục sư, Chuyên gia tâm thần học, Pháp sư, Linh mục,…

Thuyết đa trí tuệ Multi-Intelligence 10

Ý nghĩa của thuyết đa trí tuệ

Nếu như không biết đến thuyết đa trí tuệ thì thông thường người ta sẽ đánh giá sự thông minh của con người dựa vào IQ (chỉ số thông minh của não bộ con người). Nhưng từ khi thuyết đa trí tuệ Multi-Intelligence của Howard Gardner được công bố thì người ta đã có sự nhìn nhận và đánh giá.

Đó là: Con người ai cũng có trí thông minh và trí thông minh của mỗi người có thể không giống nhau. Việc xác định trí thông minh của mỗi người vô cùng quan trọng, nhất là đối với các thế hệ “mầm non tương lai của đất nước”. Nắm bắt được trí thông minh của trẻ sẽ có lợi cho việc bồi dưỡng, định hướng và phát huy thế mạnh sau này.

Ưu – Nhược điểm của thuyết đa trí tuệ

Ưu điểm

  • Đối với cha mẹ: Sẽ để ý và phát hiện trí thông minh của con, từ đó tìm ra hướng đầu tư giáo dục và định hướng nghề nghiệp phù hợp từ sớm. Đồng thời, có cách giáo dục toàn diện, không áp đặt điểm số gây áp lực cho con.
  • Đối với giáo viên: Tôn trọng trí thông minh của mỗi học sinh, có giáo án giảng dạy phù hợp để phát huy thế mạnh của từng người.
  • Đối với học sinh: Tự tin vào bản thân hơn, nhận biết và phát huy thế mạnh của mình, sớm được định hướng nghề nghiệp dựa vào trí thông minh của bản thân.

Nhược điểm

  • Mơ hồ và có tính chủ quan: Thuyết đa trí tuệ chỉ là lý thuyết được nghiên cứu bởi Howard Gardner chứ chưa có công cụ đo lường cụ thể, thiếu sự hỗ trợ về mặt khoa học thực nghiệm.
  • Định nghĩa quá rộng: Nhiều người cho rằng thuyết đa trí tuệ mà Howard Gardner đề cập chỉ đơn giản là đại diện cho tài năng, đặc điểm tính cách và khả năng chứ không phải là trí thông minh.

Vận dụng thuyết đa trí tuệ trong dạy học mầm non

Ngay từ độ tuổi mầm non, trí thông minh của từng trẻ đã được bộc lộ. Đây là giai đoạn tốt nhất để tìm hiểu, khám phá trí thông minh của trẻ, để từ đó đưa ra các định hướng bồi dưỡng và nâng cấp.

Tại Việt Nam, nhiều trường học mầm non đã áp dụng thuyết đa trí tuệ vào trong giảng dạy, trong đó có Mầm non Song ngữ Phúc An. Thay vì giáo dục truyền thống chỉ tập trung vào phát triển trí thông minh logic, dạy hàng nghìn cá thể khác nhau bằng những kiến thức giống nhau; thì giáo dục thời đại mới đã quan tâm đến từng cá thể riêng biệt để khám phá tiềm năng và khai phá thế mạnh của từng người.

Những thay đổi khi vận dụng thuyết đa trí tuệ

  • Về phương pháp giảng dạy: Giáo viên sẽ sử dụng nhiều hình thức giảng dạy khác nhau để phù hợp với từng khả năng tiếp thu của học sinh. Trong một tiết học có thể kết hợp nhiều hình thức khác nhau để phát hiện được trí thông minh của từng trẻ.
  • Về môi trường học tập: Xóa bỏ môi trường thụ động, rập khuôn để xây dựng môi trường mới theo hướng mở và nhiều tiện ích. Đặc biệt là lớp học mầm non, bên cạnh việc sắp xếp khoa học thì còn phải đảm bảo tính thẩm mỹ, sự sinh động và thu hút.
  • Về cơ hội thể hiện năng lực: Giáo viên sẽ khuyến khích các em thể hiện năng lực riêng biệt của mình. Giáo viên sẽ là người phát hiện và tôn trọng năng lực đó. Trên cơ sở đó, tìm ra điểm mạnh – yếu của từng học sinh, đưa ra các phương án giáo dục sao cho phù hợp và hiệu quả.
  • Về đánh giá học tập: Giáo viên sẽ không sử dụng thành tích hay điểm số khuôn mẫu để đánh giá năng lực của học sinh. Mà sẽ dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau để đưa ra đánh giá khách quan nhất.

Ví dụ về cách vận dụng thuyết đa trí tuệ trong dạy học mầm non

  • Đối với trí thông minh ngôn ngữ: Tăng cường các hoạt động đọc sách, kể chuyện, viết và thảo luận.
  • Đối với trí thông minh logic – toán học: Tổ chức các hoạt động giải đố, xếp hình, các trò chơi liên quan đến số học.
  • Đối với trí thông minh không gian: Tổ chức các hoạt động vẽ tranh, xây dựng mô hình bằng khối lego, trò chơi ghép hình, vẽ bản đồ,…
  • Đối với trí thông minh âm nhạc: Tổ chức hoạt động ca hát, nghe nhạc, chơi nhạc cụ, nhảy múa, biểu diễn âm nhạc,…
  • Đối với trí thông minh cơ thể – vận động: Tổ chức các hoạt động thể chất như nhảy dây, leo trò, chạy nhảy, tập yoga, tập thể dục,…
  • Đối với trí thông minh tương tác – giao tiếp: Tổ chức các hoạt động nhóm để trẻ được chơi, học, trao đổi cùng nhau.
  • Đối với trí thông minh nội tâm: Tạo ra môi trường yên tĩnh để trẻ tham gia vào các hoạt động như viết nhật ký, thiền, suy ngẫm,…
  • Đối với trí thông minh tự nhiên: Nhà trường tổ chức các hoạt động liên quan đến thiên nhiên như trồng cây, chăm sóc động vật, khám phá môi trường sống, dã ngoại,…

Như vậy, thuyết đa trí tuệ Multi-Intelligence của Howard Gardner đã cho chúng ta thấy rằng “ai cũng là thiên tài” giống như câu nói của Albert Einstein. Việc phát hiện và khai phóng tiềm năng của trẻ từ sớm vô cùng quan trọng. Nó sẽ là chìa khóa để cha mẹ, thầy cô tìm được phương pháp giáo dục và định hướng tương lai phù hợp cho trẻ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *