Để đạt hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục trẻ mầm non, cả nhà trường và ba mẹ đều phải có sự THỐNG NHẤT. Trong đó, vai trò của ba mẹ là vô cùng quan trọng, là người đồng hành cùng con và đồng hành cùng với nhà trường trong quá trình nuôi và dạy trẻ.
Trẻ em mầm non chính là những trang giấy trắng. Nếu nói đó là một bức tranh, vậy tươi sáng hay đen tối sẽ là gam màu do ba mẹ và thầy cô sử dụng. Sẽ ra sao nếu như hai đối tượng này sử dụng gam màu đối lập và có những cách nuôi dạy trẻ đối nghịch nhau? Điều này thật khó cho đứa trẻ, và thật khó để tạo nên một đứa trẻ phát triển toàn diện.
Ba mẹ là người chọn trường cho con, trường được chọn nếu không phải là tốt nhất thì chắc chắn đã có sự phù hợp nhất. Nếu đã chọn, hãy tin tưởng vào phương pháp giáo dục của nhà trường, và hãy làm 05 điều sau TẠI NHÀ để có sự thống nhất trong việc nuôi dạy trẻ.
Tạo môi trường học tập phù hợp
Môi trường học tập phù hợp nhất với trẻ mầm non chính là sự sinh động, hấp dẫn. Ở độ tuổi này, con chưa cần học tập nghiêm túc mà cần kết hợp giữa chơi và học. Ba mẹ hãy dành thời gian để trang trí góc học tập của bé sao cho thật đẹp và thu hút. Ba mẹ để ý sẽ thấy, các lớp học mầm non luôn nổi bật bằng các chi tiết trang trí. Khi bé được học tập trong môi trường như vậy, bé sẽ thích thu và dễ dàng tiếp thu kiến thức hơn.
Duy trì thói quen, giờ giấc ở trường
Muốn vậy, ba mẹ cần nắm được thời khóa biểu hàng ngày của bé. Thông thường, các bé sẽ học ở trường từ thứ 2 đến thứ 6. 2 ngày cuối tuần ở với ba mẹ cũng là lúc giờ giấc, thói quen sinh hoạt bị đảo lộn. Rõ ràng, những thói quen và giờ giấc ở trường là rất tốt, là khoa học, vậy nếu được duy trì ở nhà thì điều này sẽ tốt cho bé và khỏe cho cả ba mẹ. Và khi bé trở lại với trường học cũng sẽ tiếp tục duy trì thói quen, giờ giấc này mà không cần thầy cô nhắc nhở hay hướng dẫn lại.
Ngoài ra, có những thói quen nếu được duy trì mỗi ngày, mỗi giờ sẽ thật sự có lợi cho trẻ. Ví dụ: rửa tay trước khi ăn, mời người lớn khi ăn cơm, gấp chăn mền sau khi ngủ dậy, tự cởi đồ và thay đồ mới,… Đây đều là những thói quen trẻ được dạy ở trường mầm non, nhưng khi về nhà hầu hết các bé đều không thể làm những điều này. Chẳng phải đó là vì thiếu sự đồng hành của ba mẹ hay sao?
Hãy để trẻ tự lập!
Như đã nói ở trên, ở trường học, các bé đều được dạy về tính tự lập. Đây không chỉ là kỹ năng cần thiết trong cuộc sống mà còn là cách để trẻ phát triển sự tự tin và khả năng giải quyết vấn đề. Nhưng khi ở nhà, hầu hết mọi đứa trẻ đều không thể làm hoặc không phải làm. Thứ nhất, có thể do được bao bọc, nuông chiều nên không cần động tay động chân vào bất cứ việc gì. Thứ hai, có thể do ba mẹ thiếu kiên nhẫn dẫn đến hành động tự làm cho nhanh.
Luôn lắng nghe, chia sẻ cùng con
Ba mẹ là người gần gũi với con nhất, là người mà trẻ nghe lời và tin tưởng nhất. Còn ở trường, mỗi lớp học có nhiều học sinh khiến thầy cô không thể quan tâm hết từng em được. Vậy thì khi ở nhà, khi trẻ là trung tâm của gia đình, ba mẹ hãy dành nhiều thời gian để trò chuyện, tâm sự với con.
Hãy hỏi con về những niềm vui, nỗi buồn, về điều trẻ được học trong ngày hôm đó! Hãy chia sẻ với con về cách xử lý các tình huống thường gặp! Hãy nói nhiều về niềm vui, sự tuyệt vời khi có bạn bè, được học tập, được vui chơi! Và hãy khiến trẻ cảm thấy yêu trường, mến bạn thông qua những lời nói tích cực của ba mẹ!
Khi ba mẹ trò chuyện cùng con, không chỉ tăng thêm sự gắn kết mà còn là cơ hội để trẻ phát triển trí tuệ cảm xúc và tăng khả năng giao tiếp.
Tăng cường tương tác với giáo viên
Trẻ sẽ học ở trường 8 – 10 tiếng và giáo viên chính là “người mẹ thứ 2” của trẻ. Thay vì phó mặc hoặc gây áp lực cho giáo viên thì ba mẹ hãy là người đồng hành cùng giáo viên trong việc nuôi dạy trẻ. Hãy dành thời gian để hỏi, trao đổi, trò chuyện với giáo viên để biết được cách giáo dục của nhà trường, tình hình học tập của con và cả những giải pháp ba mẹ cần làm ở nhà để việc giáo dục con được tốt hơn. Tuy là hai đối tượng khác nhau nhưng giáo viên và phụ huynh lại cùng chung một mục đích, đó chính là nuôi dạy những đứa trẻ phát triển theo hướng tích cực.
Đồng hành cùng con là một quá trình rất dài, và mỗi giai đoạn sẽ có những cách đồng hành khác nhau cho phù hợp. Ở giai đoạn mầm non, là giai đoạn hình thành và đặt nền móng cho sự phát triển về sau trẻ, ba mẹ hãy đồng hành cùng nhà trường bằng sự thống nhất về phương pháp nuôi dạy trẻ. Chỉ khi nhà trường và phụ huynh “bắt tay” với nhau thì trẻ mới có được định hướng, lộ trình phát triển rõ ràng, nhất quán và đúng đích.