Ở trường mầm non trẻ được học gì? CHI TIẾT các môn học

Đóng góp bởi: CN, 27 Th10 2024 11:31:45 +0700
Mamnonphucan-2

Mầm non là trường học đầu tiên của trẻ, ba mẹ có biết con sẽ được học những gì tại đây không? Nhiều bậc phụ huynh nghĩ rằng, đi học mầm non thực chất là “đi gửi trẻ”, vậy ngoài hoạt động ăn – chơi – ngủ ra thì các bé có được học CÁC MÔN HỌC giống như các anh chị lớp lớn hay không?

Trẻ mầm non học như thế nào?

Mỗi độ tuổi sẽ phù hợp với những cách giáo dục khác nhau. Đối với trẻ mầm non, cách dạy học sẽ khác với bậc tiểu học hay trung học. “Học mà chơi, chơi mà học” là cách giáo dục phổ biến nhất ở các trường mầm non hiện nay. Thông qua chơi các bé sẽ được học hỏi, khám phá; và ở mỗi tiết học sẽ luôn đi kèm với những trò chơi hấp dẫn.

Cụ thể, trẻ ở mầm non sẽ được học như sau:

Thông qua các giác quan

Trẻ mầm non là độ tuổi có sự tò mò cao nhất và luôn thích khám phá về thế giới xung quanh. Tất cả những gì diễn ra trước mắt các bé đều lạ lẫm và thu hút. Để giải đáp thắc mắc cho trẻ, hoặc để trẻ biết được đây là gì, để làm gì, như thế nào,… thì cách dạy tốt nhất chính là để bé trực tiếp nhìn ngắm, sờ, ngửi, lắng nghe, nếm,… bằng các giác quan của mình. Đó cũng là lý do ở các lớp học mầm non luôn có nhiều giáo cụ hơn là sách vở và trẻ được học ở nhiều môi trường khác nhau hơn là ngồi im trong lớp nghe giảng.

Mannonphucan-83

Thông qua giao tiếp

Trước khi đến với trường mầm non, “thế giới” của bé chỉ là nhà và người thân. Nhưng khi đến trường thì bé sẽ được mở rộng các mối quan hệ và không gian. Và đây chính là lúc để bé học giao tiếp – kỹ năng quan trọng để bé trao đổi thông tin và hòa nhập xã hội sau này.

Nếu như giao tiếp ở người lớn chính là “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” thì giao tiếp đối với trẻ mầm non chính là: chào hỏi, xưng hô, lắng nghe, trò chuyện, thể hiện mong muốn của bản thân,…

Giao Vien Truong Mam Non Song Ngu Phuc An

Thông qua hoạt động vui chơi

Ba mẹ sẽ thấy ở trường mầm non, các bé được chơi nhiều hơn là học. Thời khóa biểu của hầu hết các lớp đều là các hoạt động vui chơi và trải nghiệm. Và đó chính là cách học phù hợp nhất với các con ở độ tuổi này.

Thông qua quá trình vận động vui chơi, giáo viên sẽ lồng ghép dạy các bé các kỹ năng và kiến thức cần thiết. Thay vì nhồi nhét hay dạy học theo kiểu nói – nghe các bé sẽ không thể tiếp thu, thì các tiết học thông qua vui chơi sẽ giúp bé cảm thấy yêu và thích thú hơn nhiều. Thông tin, kiến thức sẽ được thu nạp, ghi nhớ thông qua mỗi lần bé “chơi mà học”.

Ở các trường học vận dụng phương pháp STEAM thì mỗi một tiết học sẽ được lồng ghép nhiều yếu tố khác nhau. Một bộ môn dù hình thức là trò chơi nhưng thông qua đó bé sẽ được học về: khoa học, công nghệ, kỹ thuật, nghệ thuật và cả toán học.

San Choi Truong Mam Non Song Ngu Phuc An

Thông qua nghe – nói

Nếu như ở bậc tiểu học và trung học, kỹ năng đọc – viết được chú trọng; thì ở bậc mầm non, trẻ sẽ được học thông qua kỹ năng nghe – nói. Độ tuổi từ 0 – 5 là giai đoạn hình thành ngôn ngữ cơ sở ở trẻ nhỏ. Nếu được rèn luyện, phát triển sẽ trở thành hành trang để trẻ học tập tốt ở các bậc học trên và giao tiếp tốt trong cuộc sống.

Tùy vào độ tuổi của trẻ mà có những phương pháp dạy nghe – nói khác nhau. Thông thường ở trường mầm non, các bé sẽ được học tập 2 kỹ năng này thông qua: âm nhạc, trò chuyện, đọc sách, đọc thơ,…

Mannonphucan-84

Tất tần tật các môn học của trẻ mầm non

Khác với suy nghĩ của phần đa phụ huynh, rằng trẻ mầm non chỉ có ăn – chơi – ngủ; thì ở trường mầm non các bé sẽ được học rất nhiều thứ với nhiều môn học khác nhau.

Môn học kỹ năng

Nhiều ba mẹ sẽ bất ngờ khi biết kỹ năng chính là môn học đầu tiên của các bé. Nhiều bậc phụ huynh cho rằng trẻ nhỏ chưa biết gì thì sao dạy kỹ năng. Nhưng sự thật thì đây lại là “giai đoạn vàng” để rèn luyện các bé.

Ở trường mầm non, các bé sẽ được học các môn kỹ năng sau đây:

  • Kỹ năng tự phục vụ, bao gồm: tự vệ sinh cá nhân, tự cất giày dép, tự cởi đồ/mặc đồ, tự xúc ăn, tự dọn dẹp,…
  • Kỹ năng bảo vệ bản thân, bao gồm: nhận biết và tránh xa những nguy hiểm, xử lý khi bị té ngã hay bị thương,…
  • Kỹ năng tự lập, bao gồm: tự lấy chăn mền/gấp chăn mền, phân biệt được đồ ăn, dùng đũa, tự chuẩn bị đồ dùng học tập,…
  • Kỹ năng giao tiếp, bao gồm: chào hỏi khi đến trường/ra về, xưng hô phù hợp, nói ra nhu cầu của bản thân, nói lời xin lỗi/cảm ơn,…

Mamnonphucan-1

Môn học hoạt động thể chất

Sức khỏe là điều quý giá nhất trên đời, trẻ mầm non sẽ được dạy cách chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của mình ngay từ khi đến trường. Ở trường mầm non, thời khóa biểu của các bé sẽ có các môn học về hoạt động thể chất, bao gồm:

  • Tập thể dục buổi sáng
  • Hoạt động chạy, nhảy, bò trườn
  • Chơi thể thao: bóng đá, bóng chuyền,…
  • Dã ngoại, tham quan.
Mamnonphucan-6
Mamnonphucan-6

Ngoài mục đích rèn luyện sức khỏe, các môn học này còn nhằm mục đích khai phá và phát triển trí thông minh của trẻ. Bởi vì theo như thuyết đa trí tuệ Multi-Intelligence của Howard Gardner thì sự nhạy bén về thể chất hay thiên nhiên cũng chính là một dạng của sự thông minh.

Môn học nền tảng

Học mầm non không thể thiếu các môn học nền tảng, tức nó sẽ là nền tảng để trẻ bước vào cấp 1 và các cấp cao hơn, là nền móng ban đầu để trẻ dễ dàng tiếp thu kiến thức sau này. Lượng kiến thức sẽ được phân bổ phù hợp theo từng độ tuổi. Các môn học bao gồm:

  • Toán: làm quen với các con số, đơn vị đo lường, thời gian, số lượng, hình khối,…
  • Văn: làm quen với bảng chữ cái, cách viết chữ, ghéo vần, trò chuyện, hội thoại,…
  • Tiếng Anh: hầu hết các trường mầm non đều cho trẻ học tiếng Anh từ sớm, với các kiến thức đơn giản như cách phát âm, từ vựng phổ biến, giao tiếp,…
  • Khoa học và đời sống: trẻ sẽ được khám phá về môi trường xung quanh, hiểu rõ hơn về bản thân và thế giới.
  • Nghệ thuật: trẻ được học âm nhạc, giai điệu, phân biệt và sử dụng màu sắc, bày tỏ và phát triển cảm xúc,…

Mamnonphucan-14

Tất cả những môn học này sẽ được lồng ghép với nhau, học cùng một lúc hoặc trong quá trình “chơi mà học”. Trẻ sẽ được tiếp nhận kiến thức một cách tự nhiên nhất, đầy vui vẻ và hứng thú, tuyệt đối không gò bó hay gây áp lực, nhờ vậy mà dễ dàng tiếp thu, ghi nhận.

Trẻ mầm non chính là những “trang giấy trắng” mà ba mẹ cùng các thầy cô sẽ “vẽ” vào đó. Những gì trẻ được học ở cấp bậc này sẽ là nền móng và trở thành hành trang đi theo bé suốt cuộc đời. Đó là lý do việc chọn trường học vô cùng quan trọng, quyết định trẻ là ai, như thế nào về sau. Ba mẹ cần có sự tìm hiểu, nghiên cứu thật kĩ khi chọn trường; và nếu đã chọn được trường ưng ý thì nên có sự thống nhất về cách giáo dục, dạy bảo để trẻ được phát triển đúng định hướng.

>>> Có thể ba mẹ quan tâm: Môi trường học tập tại Mầm non Song ngữ Phúc An

Như vậy có thể thấy, trẻ mầm non được học rất nhiều thứ. Các môn học có thể không có tên giống như bậc tiểu học, trung học; nhưng kiến thức bé nhận được là bao la. Cách dạy trẻ mầm non cũng vậy, tuy khác biệt nhưng đích đến vẫn là đào tạo nên những thế hệ trẻ không những giỏi kiến thức mà còn giàu kỹ năng, được phát triển toàn diện về thân – tâm – trí.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *